Pháp Khí Mật Tông - Mandala Nepal

https://mandalanepal.com


BẢN THỂ ĐẠI BI QUAN ÂM SIÊU VIỆT MỌI HÌNH TƯỚNG VÀ GIỚI TÍNH BÊN NGOÀI

Từ vô lượng kiếp về trước có một ngàn Thái tử phát tâm Bồ đề, nguyện thành Phật. Một vị nguyện thành Phật Thích Ca mà chúng ta đã biết.
BẢN THỂ ĐẠI BI QUAN ÂM SIÊU VIỆT MỌI HÌNH TƯỚNG VÀ GIỚI TÍNH BÊN NGOÀI

Bi nguyện của Đức Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn

Từ vô lượng kiếp về trước có một ngàn Thái tử phát tâm Bồ đề, nguyện thành Phật. Một vị nguyện thành Phật Thích Ca mà chúng ta đã biết. Nhưng Đức Quán Tự Tại thì nguyện sẽ không đạt thành Chính giác khi tất cả ngàn thái tử chưa thành. Với tâm Đại bi vô lượng vô biên, Ngài còn nguyện giải thoát tất cả chúng sinh khỏi khổ đau sinh tử luân hồi. Trước mười phương chư Phật, Ngài phát nguyện: “Nguyện con cứu giúp được tất cả hữu tình, và nếu có khi nào con mệt mỏi trong hạnh nguyện lớn lao này thì nguyện cho thân con tan thành một ngàn mảnh”. Đầu tiên, Ngài xuống cứu độ cõi Địa ngục, tiến lên dần đến cõi Ngạ quỷ, cho đến các cõi Trời. Từ đấy, Ngài tình cờ nhìn xuống và trông thấy mặc dù vừa cứu vô số chúng sinh thoát khỏi Địa ngục, vẫn còn có vô số chúng sinh khác đang tiếp tục đọa lạc. Điều này khiến Ngài đau thương vô tận. Trong khoảnh khắc đó, Ngài gần mất tất cả niềm tin vào lời phát nguyện vĩ đại trước đây, thân thể Ngài liền nổ tung thành ngàn mảnh. Trong cơn tuyệt vọng, Ngài kêu cứu tất cả chư Phật. Chư Phật từ mười phương thế giới đều bay đến như mưa tuyết để tiếp cứu. Với thần lực nhiệm mầu, chư Phật làm cho Ngài hiện toàn thân trở lại, và từ đấy Đức Quán Tự Tại có mười một đầu, một ngàn tay, trong mỗi lòng bàn tay có một con mắt, nêu biểu sự hợp nhất giữa trí tuệ và phương tiện thiện xảo, chính là Đại bi chân thực. Trong hình thức này, Ngài còn sáng chói rực rỡ và có nhiều năng lực hơn trước để cứu độ tất cả chúng sinh. Tâm Đại bi trở nên mãnh liệt hơn, Ngài lại phát lời nguyện này trước chư Phật: “Con nguyện không thành chính giác khi tất cả chúng sinh chưa thành Phật”.

Bản thể Đại bi Quan Âm của 10 phương chư Phật

Câu chuyện về bi nguyện của Đức Quan Âm trong các tiền kiếp nêu trên giúp chúng ta tiếp cận khái niệm Đại bi hay tình yêu thương vô điều kiện. Tất cả chư Phật đều hiển diện trong luân hồi bởi lòng Đại bi cứu vớt chúng sinh. Vì Đức Quan Âm là bản thể Đại bi của mười phương chư Phật nên khi lòng Đại bi hiển lộ trong Pháp giới thể tính trí, chúng ta có Đức Quan Âm Tỳ Lư Giá Na Phật. Khi lòng Đại bi hiển lộ trong Đại viên cảnh trí, chúng ta đỉnh lễ Đức Quan Âm A Súc Bệ Phật. Khi lòng Đại bi hiển lộ trong Bình đẳng tính trí, chúng ta nhận ra đó là phúc đức tự thân của Đức Quan Âm Bảo Sinh Phật. Khi lòng Đại bi thị hiện trong Diệu quan sát trí, đó chính là Đức Quan Âm Vô Lượng Thọ Phật, cũng là diệu thọ mệnh của tự thân. Khi lòng Đại bi hiện trong Thành sở tác trí, đó là Đức Phật Quan Âm Bất Không Thành Tựu hay các công hạnh giác ngộ lợi tha. Khi lòng từ bi thể hiện trong Hóa thân thì đó là Phật Quan Âm Thích Ca của công hạnh ứng hóa lợi ích chúng sinh.

Khi Đức Quan Âm hiện trong hết thảy đại hạnh nguyện đó cũng là Quan Âm Phổ Hiền của Bồ đề tâm. Khi Đức Quan Âm hiện trong trí tuệ thì đó cũng là Quan Âm Văn Thù Trí tuệ. Khi Đức Quan Âm hiện trong Đại bi thì Ngài là Quan Âm Đại Bi nhiệm màu. Khi Đức Quan Âm hiện trong đại từ đó là Quan Âm Đại Từ Di Lặc của lòng từ vô lượng.

Xuất phát từ tâm nguyện vị tha, lòng từ bi vô lượng cùng Bồ đề nguyện vô tận, Đức Quan Âm còn hiện thân trong hình tướng chư Thượng sư giác ngộ nơi cõi luân hồi, với mục đích duy nhất đem đến niềm an vui chân thật cho tất cả chúng hữu tình và đánh thức tiềm năng tâm linh vốn sẵn đủ từ bi và trí tuệ nơi mỗi người. Chừng nào chúng sinh còn trầm luân trong biển khổ, thì các Ngài vẫn không ngừng thị hiện các Ứng Hóa thân để tận độ giải thoát. Tại vùng Ấn Độ - Himalaya, không chỉ Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa mà nhiều chư Thượng sư giác ngộ được ấn chứng và kính ngưỡng là Hóa thân chân thật của Đức Quan Âm.

Điều này không chỉ đúng với các truyền thống Phật giáo mà còn mở rộng ra các truyền thống tâm linh khác. Ví dụ, trong truyền thống Ấn Độ giáo (Hindu), thần Mahadeva hay thần Shiva đều là những Hóa thân trực tiếp của Đức Quan Âm. Đại Huyền Kim Cương Hộ Pháp Mahakala được tôn kính cả trong Phật giáo và Hindu giáo cũng là một Hóa thân của Đức Quan Âm. Thần Tượng Đầu Vương Ganesh mà chúng ta thường nhìn thấy với hình ảnh đầu voi rất đặc trưng, hay thần Tara Devi và rất nhiều vị thần khác, cũng là Hóa thân của Đức Quan Âm. Sự thật là nhiều bậc Thánh nhân, bậc Thầy của nhân loại, chư Thượng sư giác ngộ… đều là những Hóa thân của Đức Quan Âm.

Bất cứ ai, dù trong hình tướng người hay phi nhân, với tâm từ bi và công hạnh vì lợi ích chúng sinh, đều là Hóa thân Quan Âm. Vì Đức Quan Âm chính là tâm Đại bi để cứu giúp chúng sinh, Ngài có thể thị hiện dưới nhiều hình tướng khác nhau, từ các bậc Thầy, vị thánh, nữ thần, các loài chim, chó, lừa, ngựa, voi... thậm chí cả các loài sâu bọ. Ngài không hề bị bó buộc hay ngăn ngại bởi hình tướng hay giới tính bên ngoài. Hồng danh Avalokiteshvara theo tiếng Phạn, Chenrezig theo tiếng Tạng, Kuanyin (Quan Âm) theo tiếng Trung đều có nghĩa là “Bậc Đại Bi tối tôn quý”. Chúng ta cần phá bỏ những định kiến hạn hẹp và mở rộng trái tim để thấy được các công hạnh Đại bi vĩ đại của Ngài.

Nguồn tin: drukpavietnam.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây