Tại sao nên thực hành Nyungney vào tuần trăng sáng hoặc ngày vía Phật?
- Thứ hai - 01/03/2021 14:49
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thực hành pháp Nyungney là để khai mở lòng từ bi. Khi tình yêu thương đã thực sự phát triển thì năng lực của từ bi sẽ bảo vệ cho chúng ta thoát khỏi mọi khổ đau. Bởi vậy, thực hành về Đức Phật Quan Âm chính là phương pháp để bảo vệ, hộ trì và viên mãn mọi tâm nguyện của chúng sinh:
• Nếu tu thành tựu 1 lần Nyungney, chúng ta có thể đoạn trừ 40.000 kiếp của ác nghiệp. Khi lâm chung chắc chắn chúng ta sẽ được vãng sinh về cảnh giới Tịnh độ. Bởi vì chỉ trong 2 ngày, nếu tu giữ nghiêm mật, tất cả những chướng ngại, nghiệp chướng đều tiêu diệt.
• Nếu tu thành tựu 8 lần Nyungney liên tục, chúng ta sẽ đạt được quả vị tương đương với quả vị Nhập Lưu, tức là quả vị tu Đà Hoàn. “Nhập Lưu” có nghĩa là nhập vào dòng giác ngộ, con đường chúng ta thực sự vào chính đạo. Chúng ta có thể đoạn trừ 40.000 kiếp những ác nghiệp sinh tử và khi lâm chung chắc chắn sẽ được vãng sinh về cảnh tịnh độ.
• Nếu tu thành tựu 25 lần Nyungney, chúng ta sẽ đạt được quả vị tương đương với quả vị Nhất Lai, tức là quả vị chỉ trở lại sinh tử có một lần để tu tập và thành tựu được toàn bộ con đường thực hành giác ngộ, trưởng dưỡng trọn vẹn tình yêu thương vô điều kiện và trí tuệ toàn tri.
• Nếu tu thành tựu 50 lần Nyungney, chúng ta sẽ đạt được quả vị tương đương với quả Bất Lai, tức là quả vị không trở lại sinh tử, tiếp tục trụ trong thiền định, đạt thẳng đến giác ngộ.
• Nếu tu thành tựu 108 lần Nyungney trong đời, chúng ta có thể tiêu trừ được 10.000 kiếp tội chướng và đạt đến quả vị tương đương với quả vị A La Hán.
Về phương diện kỹ thuật thực hành, việc đoạn thực giúp hành giả thanh lọc, đào thải toàn bộ những trược khí trong người để có thể khế hợp với thân khẩu ý giác ngộ của Đức Phật Quan Âm (thực hành tam mật tương ưng). Thực hành trì giới, giữ thân khẩu ý thanh tịnh là để đón nhận được toàn bộ sự gia trì từ Đức Quan Âm và thành tựu pháp tu của Ngài:
a. Đoạn thực (không ăn uống):
- Tịnh hoá tất cả các nghiệp về thân: những nghiệp chúng ta tạo ra do sát sinh, trộm cắp, tà dâm và tất cả các nghiệp về thân.
- Không bị tái sinh làm quỷ đói
- Kiếp sau có được thân tướng rất uy nghi với những tướng hảo.
- Phúc báo tuyệt đối: chúng ta đang tích lũy tướng hảo như Phật là gồm 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp
b. Tịnh khẩu (không nói, không nhắn tin điện thoại, không liên lạc):
- Tịnh hoá được toàn bộ ác nghiệp về khẩu (như là nói dối, nói ác khẩu, nói đôi chiều, nói phù phiếm, nói lời vô nghĩa)
- Không bị tái sinh vào loài súc sinh.
- Không phải chịu những quả báo về khẩu. Lời nói chúng ta sẽ được thuần thục, rành mạch, lời nói có trọng lượng, hiệu quả.
- Phúc báo: chúng ta sẽ đạt được khẩu giác ngộ của chư Phật, những lời nói có giá trị, trọng lượng đem lại lợi ích cho người khác.
c. Tâm (nhất tâm thực hành Nyungney):
- Đoạn trừ được những phiền não của tâm, đó là những phiền não tham sân si, những sự bất mãn buồn chán, những sự lục dục thất tình. Đạt được sự trải nghiệm giác ngộ hỷ lạc.
- Được tái sinh làm người.
- Hiện kiếp trí tuệ mở mang, là những người liêm chính, chính đạo, hiểu biết
- Phúc báo tuyệt đối: đạt được 5 trí tuệ Phật
Tại sao phải thực hành pháp tu Nyungney vào tuần trăng sáng (từ mùng 1 đến ngày 15 Âm lịch) hay các ngày vía Phật?
Pháp tu Nyungney chỉ thực hành trong tuần trăng sáng, tức là từ mùng 1 đến ngày 15, bởi vì đó là thời điểm trăng lên nên rất dễ thành tựu pháp. Kim Cương Thừa lấy tuần trăng sáng, tức là 15 ngày đầu tháng, để khởi sự tất cả công việc từ thế gian đến xuất thế gian. Khi tuần trăng tối đi, khí đi về phần âm rất nhiều nên chúng ta nên bắt đầu giảm thiểu làm những việc quan trọng. Đồng thời, nếu chúng ta tu pháp này vào ngày nhật nguyệt thực hay vào ngày vía Phật đặc biệt như ngày vía Phật Dược Sư, Phật A Di Đà... thì cũng rất dễ thành tựu pháp.
Trong truyền thống Phật giáo, tháng Giêng (Losar) và tháng Tư (Vesak) đặc biệt linh thiêng, dù chúng ta chỉ tu một ngày thôi thì công đức cũng rất lớn. Vì vậy, mỗi Phật tử, đặc biệt là hành giả Kim Cương Thừa, thường coi đây là thời gian quan trọng để tích lũy công đức, thực hành tu tập.