Một cách thông thường, người đệ tử được thụ nhận hướng đạo, khai thị giáo pháp hay truyền thừa tâm từ Thượng sư. Trong Kim Cương thừa, có ba cách truyền dạy giáo pháp, thứ nhất là khẩu truyền, người thực hành được hướng dẫn bằng lời nói. Cách thứ hai, vi tế hơn là truyền thừa bằng cử chỉ, không phải truyền đạt bằng lời giảng mà thông qua các dấu hiệu. Cách thứ ba là truyền thừa tâm, theo cách này nền tảng tự tính Phật được khai thị một cách trực tiếp, truyền từ tâm Thượng sư tới tâm của đệ tử.
Trong tiếng Tạng, thuật ngữ Wang hay quán đỉnh có nghĩa là sự tự chủ, đạt được hoặc làm chủ một quyền lực nào đó. Ví dụ, nếu bạn là người bảo hộ thì sức khỏe, thân mạng tôi thuộc về bạn và bạn được coi là người có quyền lực (wang) với tôi. Hay nếu như bạn cho tôi một đồ vật thuộc sở hữu của mình thì tiếp đến tôi cũng sẽ có quyền sở hữu và sử dụng (wang) đối với đồ vật đó. Cũng như vậy, khi chúng ta có thể tự tại, làm chủ và không để các đối tượng như sắc tướng, âm thanh, vọng niệm ý thức chi phối và lôi kéo thì có nghĩa là chúng ta đã nhận được Wang đối với các đối tượng này.
Theo quan kiến Kim Cương thừa, quán đỉnh là sự khai thị Bản tâm, là phương pháp truyền đạt tinh túy giáo pháp một cách trực tiếp và sinh động. Để thụ lĩnh quyền lực tâm linh, chúng ta phải thỉnh cầu bậc Kim cương Thượng sư trao truyền bởi các Ngài là bậc thành tựu đã nắm giữ quyền năng vô úy tự tại trong luân hồi sinh tử và tâm nguyện của các Ngài là trao truyền chìa khóa giải thoát khổ đau chứng đạt hạnh phúc cho chúng sinh hữu tình không phân biệt. Quán đỉnh là một giáo pháp, là sự khai thị trực tiếp truyền đạt tinh túy của tất cả giáo pháp một cách sinh động Nếu không thụ nhận quán đỉnh, hành giả sẽ không được phép thực hành bất kì Mật pháp nào. Sau quá trình tìm cầu hạnh ngộ Thượng sư, đây chính là điểm khởi đầu cho trải nghiệm thiền định và thiền quán, hòa nhập thành tự tính thực tại của vạn pháp. Trên phương diện nghi quỹ, quán đỉnh dẫn chúng ta thể nhập vào Mandala của Bản tôn, hòa nhập vào toàn bộ trải nghiệm và phẩm chất của Bản tôn. Quán đỉnh cũng là pháp đối trị với tâm nhị nguyên, tâm không thỏa mãn, luân hồi, cuồng tín. Trong suốt thời gian thu nhận trao truyền quán đỉnh, chúng ta loại bỏ hoàn toàn những định kiến và cố chấp vào bản thân mình. Thay vào đó, chúng ta nhận ra tâm trí tuệ của Bản tôn là tiềm năng Phật tính hoàn hảo nơi tự thân mỗi người.
Dưới góc độ bí mật, việc thụ nhận quán đỉnh từ bậc Thượng sư giác ngộ tạo nguồn năng lượng mạnh mẽ giúp cắt đứt hoàn toàn những chấp trước, khái niệm, mê lầm để hành giả có thể liễu ngộ chân tâm bản tính. Vì lý do này, người ta nói rằng khi nhân duyên chín muồi, nếu một Bậc thầy chứng ngộ ban quán đỉnh cho một người đệ tử có căn cơ cao, người đệ tử có thể tức thì chứng đạt giác ngộ. Trong các truyền thống như truyền thống Đại Thủ Ấn, chúng ta có thể đọc thấy những lời khai thị sau: “Khi chứng ngộ điều này, nếu bạn thiền định vào buổi sáng, bạn sẽ giác ngộ vào buổi tối. Nếu bạn thiền định vào buổi tối, bạn sẽ giác ngộ vào buổi sáng hôm sau”. Điều này có thể xảy ra với các hành giả cao cấp nương năng lực giác ngộ của bậc Thầy trao truyền quán đỉnh.
Như vậy, khi bắt đầu tu tập Kim Cương thừa, điều tối quan trọng là bạn cần thụ nhận quán đỉnh từ bậc Thượng sư của mình. Đây chính là ngưỡng cửa đặc trưng của Kim Cương thừa để hành giả có thể thực hành nghi quỹ tu trì theo một Bản tôn nhất định (ví dụ Phật Bản tôn Quan Âm, Phật Bản tôn Dược Sư hay Bản tôn Trí tuệ Văn Thù…). Nói cách khác, quán đỉnh là nghi thức mà một bậc Thượng sư tu chứng trao truyền thể nhập thực hành trực tiếp một pháp môn cho đệ tử, bao gồm mô tả, giảng nghĩa, quán tưởng, thứ lớp tu tập cùng với các nghi lễ cúng dàng và chân ngôn tương ứng.