Trong giai đoạn Phát triển, hành giả thực hành Tam Mật gia trì (tương ứng thân - khẩu - ý của mình với Thân - Khẩu - Ý đức Phật Bản tôn), trì tụng chân ngôn, thiền định quán tưởng… tất cả các thực hành này đều nhằm tích lũy công đức, tịnh hóa nghiệp chướng. Qua sự luyện rèn liên tục không gián đoạn như vậy, hành giả đồng thời làm việc và rèn luyện tâm để chuyển sang giai đoạn Thành tựu hay giai đoạn Viên mãn, là giai đoạn tu về Tuệ, tức là thực hành an trụ trực tiếp tâm trong tự tính Phật.
Mục đích của tất cả sự thực hành trong giai đoạn Phát triển và Thành tựu là thực hành sinh tử và vượt qua nỗi sợ chết của chính mình, qua đó tiếp cận với bản chất đích thực, vốn không sinh ra và mất đi, của mỗi người. Bằng cách thực hành giai đoạn Phát triển và Thành tựu, chúng ta luyện tập việc quán khởi tạo và hòa tan hết lần này đến lần khác. Đây cũng giống như tiến trình sinh tử của cuộc đời. Cả cuộc đời của chúng ta bao gồm trước tiên là sự sinh ra, sau đó lớn lên, già đi và cuối cùng là chết. Những quá trình này luôn xảy ra. Hàng năm, hàng tháng, hàng ngày và từng khoảnh khắc, chúng ta đều đang thay đổi, đang sinh ra và chết đi nhưng chúng ta đang cố chấp không hiểu theo cách đó. Trong giai đoạn Phát triển, hành giả thực hành thiền định Bản tôn bằng cách tạo ra một hình ảnh trong tâm mình, và sau đó biến hình ảnh đó thành khối cầu ánh sáng, và cuối cùng là hòa tan khối cầu ánh sáng đó. Quá trình này lặp đi lặp lại liên tục cũng hệt như sự xuất hiện và biến mất của các giai đoạn Bardo trung gian. Qua việc luyện tập kiên trì, chúng ta dần buông bỏ quan niệm thông thường về chính mình là một thực thể cố định và xác định. Chúng ta trở nên cởi mở với thay đổi và do đó giảm nhẹ sự bám chấp vào các quan điểm và ý kiến, đồng thời vững vàng vượt qua nỗi sợ hãi của sinh tử luân hồi và chủ động trước các cơ hội giải thoát trong thực tại.
Dưới góc độ thực hành, sự thiền định trong Giai đoạn Phát triển và Thành tựu là để tịnh hóa cái nhìn sai lệch về sinh và tử. Thuật ngữ “tịnh hóa” không nên được hiểu nhầm theo nghĩa là một thứ ban đầu bẩn thỉu nhiễm ô và sau đó được làm sạch. Tịnh hóa có nghĩa là thực hành quá trình sinh và tử, để nhìn ra chúng là gì, không chỉ theo góc nhìn lý thuyết mà theo thực tế và trải nghiệm tự thân. Ví dụ, trong giai đoạn Phát sinh, hành giả thực hành các pháp quán tưởng Mandala, mặt trăng, tòa sen, pháp khí, Bản tôn, chủng tử,… mỗi chi tiết quán tưởng đó đều có phần tương ứng để thoát khỏi cảnh tứ sinh Noãn, Thai, Thấp, Hóa. Các đối tượng thiền định đều tương ứng với các khía cạnh tâm lý và đều có lợi ích nhất định trong việc giúp hành giả trực ngộ được chân tâm bản tính của mình. Cũng vì lẽ này mà Kim Cương thừa được coi là con đường thực hành vô cùng khoa học, thiện xảo và vi diệu!
(Trích ấn phẩm “Bardo - Bí mật nghệ thuật sinh tử”
NXB Tôn giáo, 2012)