Rất nhiều Phật tử Đại thừa nghĩ rằng căn cơ mình rất cao, siêu việt và nghĩ rằng có thể tu tập đạt giác ngộ chỉ bằng các pháp tu tập Đại thừa hay Kim Cương thừa. Nhưng thật ra, chúng ta không thể đạt tới giác ngộ nếu bỏ qua nấc thang của trì giới, là nấc thang của Nguyên thuỷ Phật giáo. Tôi lấy ví dụ, khi thân khẩu của chúng ta ô nhiễm, nếu không trì giới thì thân tạo tội lỗi, từ đó tạo nhân đọa lạc và sẽ phải chịu quả đọa lạc. Miệng nói dối tạo tội lỗi của khẩu và bị đọa lạc. Cho nên chúng ta không thể đạt tới giác ngộ khi bỏ qua phương pháp tu tập giới luật.
Nền tảng của Ngondro chính là giới luật. Giới luật rất quan trọng, bởi nó giúp chúng ta rèn luyện thân, khẩu; mỗi hành động, lời nói của chúng ta cần phải được kiểm soát, dẫn dắt để chúng không tạo nên nghiệp bất thiện. Chúng ta cần tỉnh giác trong mỗi hành động, lời nói để không tạo cơ hội cho các nghiệp bất thiện phát khởi, nhờ đó quả báo đọa lạc không có. Nhờ việc nghiêm trì giới luật nhiều năm tháng, tới một ngày nào đó chúng ta sẽ nhậm vận tuỳ duyên, thân không tạo ác, miệng không nói dối,… Chúng ta nhậm vận thiện lành từ thân khẩu, tức là thân và khẩu của chúng ta được giới luật bảo hộ.
Chúng tôi thấy trên facebook hiện nay mọi người được tự do ngôn luận nên có thể đưa tin thất thiệt, lệch lạc, ... Tất nhiên tự do ngôn luận là tốt nhưng họ không hiểu khẩu nghiệp nên đã tạo vô vàn nghiệp bất thiện về khẩu và chính do nghiệp khẩu đó khiến họ khó khăn trong tu tập đạt giác ngộ. Đức Phật Thích Ca là một người cha từ bi, yêu thương chúng sinh giống như con đỏ, Ngài không muốn đệ tử tạo nghiệp phải đọa xuống 3 đường ác. Bởi vậy Ngài chế lập nên giới luật để bảo hộ chúng ta chứ không phải để chằng trói. Do đó tất cả chúng ta cần trân trọng giới luật, thực hành thân và khẩu trì giới, đặc biệt giới luật của các vị xuất gia Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, chúng ta phải học từ cách đi đứng nằm ngồi bưng bát…
Bao nhiêu uy nghi, giới hạnh mà Đức Thế Tôn đã chỉ dạy chỉ để giúp chúng ta giảm thiểu toàn bộ những nghiệp bất thiện của thân khẩu giúp cắt đứt nhân luân hồi sinh tử. Cho nên tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta không thể bỏ qua được nền tảng của giới luật, hay căn bản của Nguyên thuỷ Phật giáo. Nếu chúng ta bỏ Nguyên thuỷ Phật giáo thì dù có cố gắng phát triển Bồ Đề Tâm cũng không thành. Giống như chúng ta có một cái gương nhưng bị bụi bẩn bám đầy thì dù mặt chúng ta có đẹp tới đâu cũng không thể hiện ra trong gương được, việc trước tiên chúng ta cần làm là lau sạch cái gương. Cũng như vậy, nếu chúng ta chỉ thích nói về Bồ Đề Tâm mà giới luật không chịu trì giữ thì giống như cái gương bám đầy bụi chúng ta không thể thực hành được Bồ Đề Tâm. Do đó trước tiên chúng ta cần Quy y Tam Bảo và nghiêm trì giới luật.
Những tin mới hơn